Bạn có thể tìm kiếm cơ hội mới tại những môi trường mới nhưng cũng có thể ứng tuyển lại và chinh phục nơi bạn từng thất bại nếu bản thân thật sự đam mê.
Áp dụng những bí kíp sau đây để biến thất bại thành bàn đạp cho thành công và chinh phục nhà tuyển dụng đã từng thẳng tay đánh rớt bạn.
Bạn thật sự yêu thích công ty và không ngần ngại yêu lại từ đầu
Nếu bạn thật sự yêu thích và mong muốn được làm việc với một nhà
tuyển dụng ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… nào đó dù đã từng nếm trải cảm giác thất bại, đừng ngần ngại quay trở lại và chia sẻ niềm yêu thích của mình với họ trong lần gặp gỡ tiếp theo.
Hãy tin rằng, sâu trong nội tâm mỗi người luôn có một điểm dịu dàng dành cho những ai có lòng yêu thích đặc biệt đối với họ. Chính sự nhiệt huyết, đam mê của bạn có thể khiến nhà tuyển dụng thay đổi cách nhìn nhận của mình. Có thể sự cố gắng của bạn chưa thể đem lại thành công ở lần thử sức tiếp theo nhưng chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ dành cho bạn cái nhìn thiện cảm hơn, thậm chí có thể mở ra cho bạn những cơ hội mới nếu họ nhận thấy quyết tâm trong bạn đủ lớn.
Tiếp thu những ý kiến khen chê - bí kíp đứng lên từ thất bại
Lắng nghe những lời góp ý từ nhà tuyển dụng tương tự việc lắng nghe người anh trai cộc cằn của bạn hướng dẫn làm bài tập về nhà – lời nói có thể không dễ nghe, nhưng chắc chắn sẽ rất hữu ích.
Lắng nghe, ghi nhớ và tự mình nhìn nhận lại những phản hồi của nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn trước đó sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng của mình và chuẩn bị tốt hơn cho lần ứng tuyển tiếp theo. Nếu nhà tuyển dụng không chủ động chia sẻ những cảm nghĩ của họ về bạn, đừng ngần ngại nhờ họ đưa ra một số đánh giá về buổi phỏng vấn của mình. Bởi lẽ, hiểu rõ lý do bản thân bị loại chính là cách nhanh nhất giúp bạn đứng lên từ thất bại.
Chờ đợi để trưởng thành hơn
Sau lần thất bại đầu tiên, đừng vội vã ứng tuyển lần nữa khi bản thân chưa đủ thời gian để cải thiện kỹ năng và năng lực chuyên môn của mình. 6 tháng đến 1 năm là khoảng thời gian hợp lý để bạn cải thiện những khuyết điểm và trưởng thành hơn trong cách làm việc cũng như lối suy nghĩ. Hãy dành thời gian đó để tìm kiếm cơ hội học hỏi, trau dồi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm, theo đuổi sự tiến bộ trong sự nghiệp và quay trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Hãy như loại rượu vang cao cấp nhất, ủ càng lâu, hương vị càng ngon, giá trị càng lớn.
Quay trở lại và lợi hại hơn xưa
Hãy tưởng tượng bản thân là một chiếc điện thoại thông minh. Lần đầu ra mắt bạn chỉ là một chiếc iPhone 8 nhưng lần thứ 2 xuất hiện bạn đã được nâng cấp thành một chiếc iPhone 14 Pro Max cao cấp và đắt tiền. Thử hỏi, nhà tuyển dụng nào có thể cưỡng lại sức hấp dẫn toát ra từ bạn?
Nói vậy để thấy rằng, bạn chỉ nên ứng tuyển lại khi bản thân đã có sự thay đổi đáng kể so với lần ứng tuyển đầu tiên. Hay nói cách khác, bạn quay trở lại khi đã trở thành phiên bản nâng cấp của chính mình. Bạn đã có được chứng chỉ mới, bằng cấp mới; bạn đã phát triển một kỹ năng mới đặc biệt phù hợp với vị trí ứng tuyển hoặc bạn đã có một bước tiến mới trong sự nghiệp, đạt được những thành tích mà nhà tuyển dụng đã từng kỳ vọng trong lần phỏng vấn trước đó. Nếu lúc này bạn quay trở lại, tỷ lệ thành công của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.
Cập nhật hồ sơ và kỹ năng trả lời phỏng vấn
Đừng bao giờ bỏ qua việc cải thiện kỹ năng viết CV hoặc portfolio cũng như kỹ năng trả lời câu hỏi phỏng vấn trước khi ứng tuyển lại để tăng tỷ lệ thành công trong lần phỏng vấn tiếp theo. Dù năng lực của bạn có sự cải thiện đáng kể nhưng bạn không thể hiện được điều đó trong CV của mình thì nhà tuyển dụng không thể nào chú ý đến bạn.
Theo chia sẻ của những chuyên gia nhân kỳ cựu, đừng bao giờ gửi lại CV cũ khi ứng tuyển lần 2. CV cũ như chiếc áo đã cũ, dù bạn có thích đến đâu, nó cần được thay mới để phù hợp với thời thế. Hãy cập nhật những tiến bộ mới, những thành tích mới của bạn vào CV, nó sẽ giúp bạn trở nên nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Tinh thần lạc quan, thái độ tích cực, không gục ngã, không bỏ cuộc sau mỗi lần ứng tuyển thất bại là tố chất cần có ở một “chiến binh”. Hãy xem mỗi thất bại bạn từng trải qua là một cơ hội quý giá để bản thân học hỏi và phát triển. Thomas Edison đã trải qua hàng ngàn thử nghiệm thất bại trước khi phát minh ra bóng đèn. Nhưng mỗi lần thất bại, ông lại tiến thêm một bước đến thành công. Bạn cũng vậy, một lần thất bại không có nghĩa cả đời sẽ thất bại. Chỉ cần bạn không bỏ cuộc, tiếp tục kiên trì và nỗ lực không ngừng, chắc chắn bạn có thể gặt hái thành công trong sự nghiệp.
Trang Đoàn