Chấn thương cột sống do đu xà và vác nặng
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Anh - Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, trong số các bệnh nhân đến khám thần kinh, có 50% liên quan tới các vấn đề về cột sống. Trong số các bệnh nhân mắc bệnh cột sống, tỉ lệ cần can thiệp phẫu thuật chiếm từ 5 - 10%.
Trước đây, những bệnh lý cột sống mắc phải thường chỉ ghi nhận ở người từ 55 tuổi trở lên. Bây giờ, trường hợp trẻ nhất đi khám mới ngoài 20 tuổi, nhóm từ 30-60 tuổi chiếm đa số.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Đức Tuấn (30 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM). Anh Tuấn bị thừa cân béo phì nên phải kết hợp chế độ dinh dưỡng với luyện tập thể thao để giảm cân. Trong một lần đu xà đơn, lúc tiếp đất bằng chân, bỗng dưng anh Tuấn cảm thấy đau nhói ở lưng như điện giật. Cơn đau dữ dội tới mức anh không thể đứng lên nổi. Bệnh nhân nhanh chóng được người thân đưa tới Bệnh viện Đại học y dược TPHCM cấp cứu.
Sau khi thăm khám và cho bệnh nhân làm các chẩn đoán hình ảnh cần thiết, bác sĩ Minh Anh phát hiện cột sống của anh Tuấn bị thoát vị mảnh rời lớn trên nền đĩa đệm đã thoái hóa. Hành động nhảy từ xà đơn xuống đất đã khiến cột sống bị một lực tác động làm bể nhân đệm. Bệnh nhân được phẫu thuật để xử lý tình trạng chấn thương. Nếu đến bệnh viện muộn, anh Tuấn có nguy cơ bị yếu liệt chân không hồi phục.
Một trường hợp khác là chị Phạm Thị Dung (30 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) làm công việc sắp xếp kệ hàng ở siêu thị. Cách đây vài tháng, chị Dung xuất hiện triệu chứng đau lưng. Bệnh nhân đã đi khám ở phòng khám gần nhà và được cho thuốc kháng viêm, giảm đau. Sau khi chị uống thuốc, cơn đau giảm nhưng sau đó tái phát.
Do quá bận rộn, không thể đi khám lại, chị tiếp tục dùng toa cũ mua thuốc về uống. Tình trạng của chị ngày càng nghiêm trọng, các cơn đau từ lưng lan xuống chân. Bệnh nhân chỉ đi bộ được khoảng 10 mét là bàn chân tê nhói, phải ngồi nghỉ. Đến lúc này, chị đành nghỉ việc để đi khám. Tại bệnh viện, bác sĩ ghi nhận biến chứng của thoát vị đĩa đệm khiến chân bệnh nhân bị teo cơ, dị cảm. Điều này làm chị Dung có hội chứng đi cách hồi (đi được vài mét phải ngưng vì bị tê và đau chân).
Tuy nhiên, sau khi mất rất nhiều thời gian, các bác sĩ mới thuyết phục được bệnh nhân làm phẫu thuật bởi chị Dung nghe hàng xóm nói phẫu thuật cột sống sẽ bị liệt. Vì can thiệp trễ nên ca mổ giải quyết được cơn đau nhưng bệnh nhân vẫn phải chịu di chứng teo cơ và dị cảm (tê bì) bàn chân do thần kinh bị tổn thương gây ra.
Thêm một trường hợp nữa là bệnh nhân Phạm Thị Hoa (55 tuổi, quê Bến Tre). Bà Hoa được con gái đưa lên TPHCM khám vì đau lưng lan xuống chân trái, yếu chân. Ở địa phương, bệnh nhân đã đi châm cứu nhưng các dấu hiệu trên vẫn không cải thiện nhiều. Tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, bà Hoa đã được chỉ định chụp MRI, xác định bị thoát vị đĩa đệm gây chèn ép rễ thần kinh dẫn tới yếu chân và teo cơ.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Nhựt Linh đang khám cho một trường hợp bị bất thường về cột sống - Ảnh: Thanh Huyền
Trường hợp nào cần mổ cấp cứu?
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ Minh Anh ghi nhận bên cạnh các trường hợp có triệu chứng nhẹ như đau lưng và tê tay chân, có nhiều ca lâm vào tình trạng rất nặng (đau đớn, không đi lại được, yếu liệt tay chân…). Những bệnh lý gây ra các dấu hiệu này phải kể tới thoát vị đĩa đệm, phì đại khối khớp bên làm hẹp ống sống và ảnh hưởng dây chằng, trượt và thoái hóa đốt sống (mất cân bằng lực cúi, ưỡn khiến rễ thần kinh bị căng gây đau đớn).
Sở dĩ ngày càng nhiều người trẻ phải đi khám cột sống là do lối sống ít vận động, tư thế sinh hoạt và học tập chưa đúng, chấn thương cột sống trong quá trình tập luyện thể thao…
Có 3 nhóm bệnh lý cột sống cần phải chỉ định cấp cứu (trong vòng 24-48 giờ). Nếu để quá thời gian vàng, bệnh nhân sẽ khó hồi phục, gánh chịu di chứng lâu dài.
Thứ nhất, người mắc hội chứng chùm đuôi ngựa (nhiều rễ thần kinh bị chèn ép). Bệnh nhân không chỉ bị yếu chân mà còn bị rối loạn chức năng cơ tròn (tiêu tiểu không kiểm soát). Thứ hai, nhóm bệnh nhân bị hội chứng bàn chân rủ, rễ thần kinh bị chèn ép khiến người bệnh đi hay rớt dép, ngón chân cái không bám được vào đế dép. Nếu không được mổ trong vòng 24 giờ, họ sẽ bị yếu liệt vĩnh viễn. Thứ ba, nhóm bệnh nhân bị đau kháng trị với thuốc.
Bên cạnh đó, những bệnh nhân bị teo cơ, yếu chân tay tiến triển cần được can thiệp phẫu thuật đúng thời điểm. 85% bệnh nhân đi khám cột sống là bị đau lưng đơn thuần, sẽ tự hồi phục sau 2-4 tuần. Tuy nhiên, nếu quá thời gian này mà tình trạng vẫn không cải thiện, bệnh nhân cần được phối hợp đa chuyên khoa để can thiệp phù hợp.
Đối với lĩnh vực điều trị bệnh lý cột sống, bên cạnh dùng thuốc và vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, còn có các phương pháp xâm lấn tối thiểu như phẫu thuật nội soi cột sống, bắt vít qua da cố định cột sống, đặt điện cực kích thích tủy sống điều trị đau… Đặc biệt, bệnh nhân mắc bệnh lý cột sống rất dễ bị trầm cảm do các cơn đau đớn và những bất tiện trong cuộc sống. Vì vậy, họ cần được chăm sóc và tư vấn tâm lý để giảm thiểu các tổn thương về mặt tinh thần do bệnh tật gây ra.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Nhựt Linh - Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - những vấn đề liên quan tới cột sống bao gồm bệnh lý do chấn thương, thoái hóa, các bệnh do u tân sinh, các tác nhân gây viêm cột sống - tủy sống. Nếu xuất hiện triệu chứng đau lưng kéo dài, cơn đau làm yếu, tê bì chân gây ảnh hưởng chất lượng sống, cần đi khám chuyên khoa ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đối với bệnh lý chèn ép tủy hoặc thần kinh cấp tính, bệnh nhân chỉ có 24-48 giờ để giải quyết các tổn thương. Quá thời gian này, bệnh nhân sẽ mất cơ hội hồi phục và bị tàn phế.
Những sai lầm thường gặp khi mắc bệnh lý cột sống
- Từ chối mổ khi có chỉ định là tình trạng hay gặp ở người mắc bệnh lý cột sống. Không ít bệnh nhân cho rằng mổ cột sống sẽ bị liệt. Khi có triệu chứng bất thường về cột sống, ưu tiên hàng đầu là điều trị nội khoa. Tuy nhiên, mỗi phương pháp chỉ có hiệu quả trong một giai đoạn nhất định. Nếu uống thuốc từ 6-8 tuần mà vẫn không hồi phục thì bắt buộc phải phẫu thuật để tránh các di chứng teo cơ, yếu chi, tiểu không kiểm soát do rối loạn cơ vòng…
- Nhiều trường hợp mắc bệnh lý cột sống lạm dụng thuốc kháng viêm, giảm đau trong thời gian dài. Tác dụng phụ của thuốc gây suy thượng thận, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.
- Nắn chỉnh cột sống bừa bãi. Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đã tiếp nhận vài trường hợp là nạn nhân của việc nắn chỉnh cột sống tại các cơ sở tự phát. Hậu quả là lực tác động lên cột sống đã gây thoát vị đĩa đệm, đè ép lên rễ thần kinh khiến bệnh nhân bị rối loạn cơ vòng, tiểu không kiểm soát.
- Đi mát xa làm các động tác bẻ cổ. Đây là hành động vô cùng nguy hiểm. Từng có bệnh nhân bị tê rần 2 cánh tay do chèn ép tủy sau khi được mát xa bẻ cổ. Khi bị chèn ép tủy, nạn nhân có thể bị yếu liệt vĩnh viễn.