Bí mật từ những năm 1920 được làm sáng tỏ
Vào những năm 1920, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nước tiểu của bệnh nhân ung thư có mùi ngọt. Ban đầu, điều này khiến các bác sĩ bối rối, nhưng họ nhận ra rằng đó là do lượng đường trong máu tăng lên, theo tạp chí khoa học Scietech Daily.
Vào những năm 1920, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nước tiểu của bệnh nhân ung thư có mùi ngọt - SHUTTERSTOCK
Một trong những tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Lykke Sylow, phó giáo sư Khoa Khoa học Y tế và Sức khỏe, Đại học Copenhagen (Đan Mạch), cho biết: Đây là một trong những điều đầu tiên chúng tôi biết về bệnh nhân ung thư.
Nước tiểu có mùi ngọt cho thấy ung thư ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của cơ thể. Nhưng bằng cách nào?
Nghiên cứu mới này đã giải đáp được câu hỏi trên. Đây là phân tích đầu tiên tổng hợp các nghiên cứu tốt nhất về chủ đề này và đã đưa ra câu trả lời rõ ràng:
Ở bệnh nhân ung thư, tế bào phản ứng không tốt với hoóc môn insulin. Do đó, những người này cần nhiều insulin hơn. Tiến sĩ Lykke Sylow cho biết: Nếu bệnh nhân kháng insulin, cơ thể phải sản xuất nhiều insulin hơn bình thường để có thể điều chỉnh lượng đường trong máu.
Và khả năng đáp ứng với insulin của cơ thể bị suy giảm ở cả bệnh nhân ung thư và người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2 như mệt mỏi, khát nhiều và đi tiểu phát triển dần dần và do đó khó phát hiện. Và ở những bệnh nhân ung thư, tình trạng kháng insulin thậm chí còn khó xác định hơn.
Nghiên cứu bao gồm những bệnh nhân mắc các loại ung thư gồm ung thư phổi và đại tràng - SHUTTERSTOCK
Nghiên cứu đã phát hiện điều gì?
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Copenhagen đã tiến hành phân tích tổng hợp 15 nghiên cứu về độ nhạy insulin và ung thư, bao gồm 187 bệnh nhân mắc các loại ung thư gồm ung thư phổi và đại tràng, và 154 người đối chứng.
Insulin có thể khiến tế bào ung thư nhân lên
Tác giả thứ hai của nghiên cứu, chuyên gia Joan Màrmol, từ Khoa Khoa học Y sinh, Chuyển hóa phân tử trong Ung thư và Lão hóa, Đại học Copenhagen, cho biết thêm: Ngoài những tác hại của kháng insulin, tình trạng này còn có thể khiến các tế bào ung thư nhân lên.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh insulin là một loại hoóc môn tăng trưởng và nó có tác dụng tương tự đối với các tế bào ung thư. Nghĩa là, lượng insulin cao có thể khiến tế bào ung thư phát triển nhanh hơn, theo Scitech Daily.
Đây là vấn đề lớn đối với bệnh nhân ung thư
Hơn nữa, tình trạng kháng insulin có thể ảnh hưởng đến lượng protein để xây dựng khối cơ. Nghĩa là, nếu cơ thể không phản ứng với insulin, nó sẽ mất khối cơ và sức mạnh, và đó là vấn đề lớn đối với nhiều bệnh nhân ung thư.
Nói chung, ung thư và kháng insulin là sự kết hợp thực sự tồi tệ.
Tiến sĩ Sylow hy vọng các bác sĩ ung thư sẽ bắt đầu kiểm tra lượng đường trong máu của bệnh nhân - ngay cả khi nó có vẻ bình thường vì khó có thể phát hiện tình trạng kháng insulin do cơ thể sẽ tự bù đắp bằng cách sản xuất nhiều insulin hơn.
Và nếu phát hiện ra bệnh nhân bị kháng insulin, cần phải điều trị. Tuy nhiên, cần nghiên cứu nhiều hơn, theo Scitech Daily.
Theo TNO